Câu hỏi: Tầm nhìn – Sứ mệnh – Giá trị cốt lõi

Trả lời :

  • Tầm nhìn

Trở thành một tổ chức tình nguyện hoạt động trong lĩnh vực môi trường có uy tín lớn nhất đối với thế hệ trẻ.

  • Sứ mệnh

Tạo ra một sân chơi cuốn hút và lành mạnh cho giới trẻ, thông qua các hoạt động truyền thông và thực tiễn về môi trường.

  • Giá trị cốt lõi

–  Xây dựng một đại gia đình xanh với các thành viên gắn bó, đoàn kết với nhau.

–  Đem lại giá trị cho các thành viên tham gia cộng đồng Go Green trước khi đem lại giá trị cho xã hội.

+ Giá trị cho mỗi cá nhân trong tập thể Go Green chính là các kỹ năng, kiến thức về môi trường và những trải nghiệm thực tế quý báu.

+ Giá trị cho xã hội là những tác động tích cực chuyển biến trong nhận thức và hành vi để bảo vệ môi trường sống.

–  Tư duy mở, sẵn sàng hợp tác với tất cả các cá nhân, đơn vị, tổ chức muốn chung tay bảo vệ ngôi nhà chung trái đất.

Câu hỏi: Cơ cấu tổ chức

Trả lời :

Câu lạc bộ Go Green – Hành trình xanh gồm Chủ tịch và 3 Ban với các nhóm làm nhiệm vụ chuyên trách trong đó thành viên là các Tình nguyện viên.

 

Số lượng tình nguyện viên tham gia câu lạc bộ hoặc tham gia các Ban không hạn chế. Ngoài các nhiệm vụ/chức năng chuyên trách, tình nguyện viên trong các Ban vẫn tham gia các hoạt động chung của câu lạc bộ.

Câu hỏi: Môi trường là gì?

Trả lời :

Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.” (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam).

Môi trường sống của con người theo chức năng được chia thành các loại:

  • Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất, nước… Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hoá các chất thải, cung cấp cho ta cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú.

  • Môi trường xã hội là tổng thể các quan hệ giữa người với người. Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy định, ước định… ở các cấp khác nhau như: Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh, huyện, cơ quan, làng xã, họ tộc, gia đình, tổ nhóm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức đoàn thể,… Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác.

  • Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống, như ôtô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo…

Môi trường theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội…

Môi trường theo nghĩa hẹp không xét tới tài nguyên thiên nhiên, mà chỉ bao gồm các nhân tố tự nhiên và xã hội trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống con người. Ví dụ: môi trường của học sinh gồm nhà trường với thầy giáo, bạn bè, nội quy của trường, lớp học, sân chơi, phòng thí nghiệm, vườn trường, tổ chức xã hội như Đoàn, Đội với các điều lệ hay gia đình, họ tộc, làng xóm với những quy định không thành văn, chỉ truyền miệng nhưng vẫn được công nhận, thi hành và các cơ quan hành chính các cấp với luật pháp, nghị định, thông tư, quy định.

Tóm lại, môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta, cho ta cơ sở để sống và phát triển.

Câu hỏi: Vì sao nói “Môi trường là nguồn tài nguyên của con người”?

Trả lời :

Môi trường là nơi con người khai thác nguồn vật liệu và năng lượng cần thiết cho hoạt động sản xuất và cuộc sống như đất, nước, không khí, khoáng sản và các dạng năng lượng như gỗ, củi, nắng, gió,… Các sản phẩm công, nông, lâm, ngư nghiệp và văn hoá, du lịch của con người đều bắt nguồn từ các dạng vật chất tồn tại trên trái đất và không gian bao quanh trái đất.

Các nguồn năng lượng, vật liệu, thông tin sau mỗi lần sử dụng được tuần hoàn quay trở lại dạng ban đầu được gọi là tài nguyên tái tạo. Ví dụ như nước ngọt, đất, sinh vật, v.v… là loại tài nguyên mà sau một chu trình sử dụng sẽ trở lại dạng ban đầu.

Trái lại, các nguồn năng lượng, vật liệu, thông tin bị mất mát, biến đổi hoặc suy thoái không trở lại dạng ban đầu thì được gọi là tài nguyên không tái tạo. Ví dụ như tài nguyên khoáng sản, gien di truyền. Tài nguyên khoáng sản sau khi khai thác từ mỏ, sẽ được chế biến thành các vật liệu của con người, do đó sẽ cạn kiệt theo thời gian. Tài nguyên gen di truyền của các loài sinh vật quý hiếm, có thể mất đi cùng với sự khai thác quá mức và các thay đổi về môi trường sống.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người ngày càng tăng cường khai thác các dạng tài nguyên mới và gia tăng số lượng khai thác, tạo ra các dạng sản phẩm mới có tác động mạnh mẽ tới chất lượng môi trường sống.